Trà Đá Thời Đại

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Việt Nam vẫn cảnh nghèo đói còn các nước láng giềng thì phát triển mạnh mẽ

Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan ... đã từng bước thoát cảnh làm thuê cho các nước khác, đều đã vượt xa nước ta trên con đường thịnh vượng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới quá trình dẫn tới sự chậm phát triển của nước ta.


Vào đầu những năm 1960, một quốc đảo gần như bị “ép” phải độc lập, khi bị trục xuất khỏi Liên bang Malaysia. Với diện tích xấp xỉ Phú Quốc, lãnh tụ của quốc đảo này lúc đó từng nhìn về phía bắc Biển Đông, và mơ ước đất nước của ông sẽ phát triển giống như Sài Gòn. Đó là câu chuyện của Singapore và Lý Quang Diệu.


Sau 50 năm, hòn đảo nhỏ ngày xưa giờ đã là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới, là đầu tầu không chỉ trong lĩnh vực mà họ có lợi thế từ trước (cảng biển), mà còn trong cả các lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng tri thức rất cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hay dịch vụ tài chính. Nếu còn có danh hiệu hòn ngọc Viễn Đông, thì Singapore không có đối thủ cạnh tranh.

Không chỉ có Singapore, qua giai đoạn 50 năm qua, lần lượt từ Hàn Quốc, Malaysia, hay Thái Lan đều đã bỏ xa Việt Nam trên con đường tiến đến thịnh vượng. Truy kích nguyên nhân cho sự chậm chạp này, nhiều ý kiến quay ra phê phán “dân tộc tính”, cho rằng tính cách của người Việt khiến cho đất nước trì trệ.

Nước ta đã thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài gần 30 năm. Cơ cấu kinh tế đã có những bước thay đổi lớn, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP từ 22,7% (năm 1990) lên hơn 33% GDP hiện nay, thu hút vốn FDI cũng thuộc loại cao nhất khối ASEAN. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 162,11 tỉ USD, sản phẩm xuất khẩu đến từ ngành công nghiệp bình thường (may mặc, giày da…) và cả những ngành có hàm lượng kỹ thuật cao (máy ảnh, máy tính, điện thoại thông minh…).

Phải chăng chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa đến năm 2020 sẽ sớm được hoàn thành và nước ta đang thoát khỏi nhóm nước nông nghiệp lạc hậu, bước vào nhóm nước công nghiệp hiện đại?

Câu trả lời là không phải, nếu nhìn vào mức thu nhập cũng như cuộc sống của người lao động trong khu vực công nghiệp. Phần lớn họ không thể nuôi sống gia đình, một bộ phận không nhỏ phải nhờ sự tài trợ của người thân ở nông thôn. Do trên 90% lao động của nước ta là phổ thông giản đơn, nên dù đang làm việc cho xí nghiệp nước ngoài thì thu nhập của họ cũng rất thấp. Có làm việc cho một tập đoàn công nghiệp lừng danh, tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật đỉnh cao, thì cũng là làm ở công đoạn chỉ cần lao động giản đơn.


Nói cách khác, ngành công nghiệp của nước ta tuy có doanh số cao nhưng phần lớn là gia công cho nước ngoài. Ngay trong ngành sản xuất nông nghiệp thì tỷ lệ nhập khẩu vật tư và các sản phẩm hỗ trợ cũng lên đến 70 – 80% giá sản phẩm, đó là một dạng gia công trong nông nghiệp. Điều này cũng giải thích được vì sao người lao động của nước ta nghèo như vậy!
Những khó khăn hiện nay cho thấy động lực từ quá trình “đổi mới 1.0” đã cạn, để bứt phá sang giai đoạn mới, cần thiết phải tiến hành “đổi mới 2.0”, hướng tới việc xoá bỏ những chính sách không phù hợp, xây dựng các thể chế tiên tiến hơn. Mục tiêu là khuyến khích sự tham gia của đại đa số dân chúng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ trong từng lĩnh vực. Điều đó cần tư duy lập pháp và điều hành cởi mở và thông thoáng hơn, thay vì trói buộc vào tư duy cũ kỹ. Thay đổi thế chế, xét về mặt nào đó, là khó và cần nhiều thời gian, quyết tâm lẫn nguồn lực.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét