Trà Đá Thời Đại

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Vấn nạn chảy máu chất xám ở Việt Nam

Dân giàu thì nước mới mạnh, quốc gia muốn phát triển thì cần phải có nhiều nhân tài. Nhưng vấn nạn chảy máu chất xám là vấn đề nóng bỏng từ nhiều năm nay chúng ta vẫn chưa có biện pháp để cải thiện tình hình. 


Vấn đề này được tranh cãi nhiều hơn khi ngày càng có nhiều trường hợp xấu trong ngành giáo dục cũng như phản ánh về cách đãi ngộ nhân tài trong nước. Hiện nay, nước ta có tới 50.000 sinh viên Việt Nam đang du học ở các nước trên thế giới. Trong đó có tới 70 – 75% trường hợp du học tự túc, khoảng 20% đi theo học bổng của các nước ký với Việt Nam thong qua các hiệp định song phương hoặc do các trường đại học cấp thong qua đăng ký tự do trên mạng. Số sinh viên được cử đi học bằng 100% tiền từ ngân sách nhà nước, chỉ chiếm khoảng 5%. Nhưng có đến 80% du học sinh Việt Nam sau khi học xong không muốn trở về nước. Theo số liệu mới nhất của Sở Giáo dục – Đào tạo, hiện số lượng du học sinh của nước ta cho dù có học bổng hay tự túc, thậm chí du học bằng ngân sách nhà nước… số học xong quay trở về là rất ít. Chất xám của Việt Nam bị thất thoát đến giật mình. Chỉ với 80% du học sinh “một đi không trở lại” như hiện nay, số chất xám thất thoát lên đến 40.000 người. Còn số người trở về Việt Nam liền sau khi tốt nghiệp thì vì nhiều lý do khác nhau như: Có vị trí tốt đang chờ sẵn, bị buộc phải về theo hợp đồng với cơ quan cử đi; không thể tìm việc ở nước ngoài, muốn “xả hơi” sau mấy năm học hành cực khổ, muốn đoàn tụ với gia đình hoặc có lý tưởng và lòng tự tin vào khả năng bản thân có thể vượt khó để xây dựng sự nghiệp, tạo lập công ty.
Là á quân của cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" năm đầu tiên, năm 2002, Nguyễn Thành Vinh có học bổng sang Australia du học ngành hóa học tại Đại học New South Wales tại Sydney. Kết thúc chương trình cử nhân, Vinh tiếp tục chương trình tiến sĩ về hóa hữu cơ tại Đại học Quốc gia Australia (ANU). Phản ứng trước con số 70% du học sinh Việt Nam không trở về nước sau khi tốt nghiệp, Vinh nói: "Nếu 30% quay trở về làm đất nước phát triển rực rỡ thì thế đã là quá đủ. 70% nữa quay trở về chỉ làm môi trường thêm chật chội. Nếu 30% đã quay về chẳng làm được gì hết thì 70% nữa quay về liệu có làm được gì không? ". Đường lên đỉnh Olympia đã bước sang năm thứ 15, trong số 14 nhà vô địch, thực chất có 2 người đã tốt nghiệp và về Việt Nam làm việc còn lại thì đều ở lại học và làm việc tiếp ở nước ngoài.


Anh Nguyễn Hùng, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội cho biết, sau khi làm xong tiến sĩ theo Đề án 322 ở Trường đại học Paris 6 ở Pháp về, anh có cảm giác "khủng hoảng". Đang từ cuộc sống đầy đủ, lúc về nước anh nhận mức lương 2,5 triệu/tháng trong 6 tháng đầu do chưa tham gia nhiều hoạt động khác của khoa. Hiện giờ, mức lương của anh là 3,6 triệu đồng/tháng, không thay đổi so với trước lúc đi học. Trong khi ở nước ngoài, chỉ cần họ có năng lực, có chuyên môn thì họ sẽ được đãi ngộ tốt để phát triển mình.

Trước thực trạng chảy máu chất xám hiện nay, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học. Để có thể thu hút nhân tài làm khoa học, nhà nước cần có chính sách, biện pháp cụ thể và hữu hiệu nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhân tài khoa học phát triển. Giáo sư Ngô Bảo Châu sau khi giành được giải Huy chương Fields đã được nhà nước trao tặng cho căn hộ cao cấp tại Hà Nội trị giá 12 tỷ đồng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét