Trà Đá Thời Đại

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Người Việt uống cà phê nhiều đứng hàng đầu trên thế giới nhưng chất lượng cà phê ra sao?

Ly cà phê sữa đá hay một tách cà phê sữa nóng lâu nay dần trở thành thức uống quen thuộc của người dân Việt. Số lượng người uống cà phê tại Việt Nam đứng đầu trên thế giới.


Cà phê không biết từ bao giờ đã trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân Việt Nam đến thế. Cái vị đăng đắng, đầm đậm bên đầu lưỡi, mùi hương hạnh nhân, mùi đất lan tỏa bên tách cà phê khiến cho người ta phải ngất ngây...và cứ như thế cà phê đi vào lòng người Việt một cách đằm thắm nhẹ nhàng. Người ta thưởng thức cà phê trong khi làm việc, khi gặp gỡ, bàn chuyện cùng đối tác, khi trò chuyện cùng bạn bè, người thân… Và cà phê đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc sống, trong công việc của mỗi người. Nhưng đa số người dân liệu có ai quan tâm đến chất lượng mỗi ly cà phê hàng ngày chúng ta uống ra sao? 

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) vừa công bố kết quả khảo sát về thức uống cà phê tại Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và Sóc Trăng. Theo đó, trong 253 mẫu cà phê được khảo sát có tới 30,04% có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1gr trên lít). Đặc biệt có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Các mẫu khảo sát này được mua ngẫu nhiên tại các điểm kinh doanh cà phê khác nhau, gồm quán cà phê lịch sự, quán cóc, căn tin bệnh viện, cà phê xe đẩy và cà phê vỉa hè. Nhóm cà phê không có caffeine hoặc hàm lượng không đáng kể chủ yếu được bày bán tại các quán cà phê vỉa hè, xe đẩy, căn tin bệnh viện, trường học.


Ông Nguyễn Văn An – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam – cho biết tại tọa đàm “Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của cà phê” diễn ra cuối tuần trước. “Người dùng cà phê Việt Nam đang uống nhiều chất độn hơn chất cà phê. Tại sao từ ly cà phê đến nấm mồ nhanh? Là vì uống cà phê giờ không phải từ cà phê mà uống từ hóa chất hoặc từ nông sản rang cháy”.

Ông An cho biết: Nhiều cơ sở chế biến nhỏ vì lợi nhuận và vì thiếu hiểu biết trong vấn đề an toàn thực phẩm mà sản xuất ra những sản phẩm không tốt, thậm chí mang tính độc hại. Họ rang đậu tương cháy để lấy độ đậm đắng và vị chát được lấy từ nhân cau để tăng thêm phần phấn khích khi uống cà phê. Điều đó vô hình trung đã hủy hoại cơ thể con người vì chất cháy, tinh dầu cháy sẽ gây ung thư, nhịp tim loạn, giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, caramen từ đường cháy, bơ hòa tan ở nhiệt độ cao họ đem dùng để láng phủ lên bề mặt cà phê, sau một thời gian ở nhiệt độ bình thường sẽ gây mốc độc tố. Thế giới đang nghiêm cấm dòng cà phê này, nếu phát hiện sẽ cho tiêu hủy sản phẩm.


Với những cách chế biến trên thì chỉ lấy được vị cà phê. Khi nước vào sẽ mang tính chất rửa trôi caramen, cà phê có vị đắng chát. Nhưng nếu muốn đẩy được hương cà phê thì phải dùng nhiệt độ hóa hơi, muốn có hương cà phê thì phải cho chất tạo hương. “Với tỷ lệ caffeine chỉ trên dưới 1%, người uống sẽ uống được nhiều, không bị say vì caffeine gần như không có. Nếu nghiện uống món cà phê này liên tục thì người uống từ việc ngồi quán cà phê sẽ đi xuống nấm mồ không xa”.

Theo ý kiến của các bác sỹ, hiện chưa thể xác định tỷ lệ bệnh nhân ung thư liên quan đến cà phê trong số hàng ngàn bệnh nhân mắc ung thư, nhưng rõ ràng cà phê giả, cà phê bẩn là một trong những nguyên nhân góp phần khiến ung thư gia tăng. Trăn trở với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên cà phê Thắng Lợi đã nhấn mạnh: Chúng ta cần tỉnh ngộ, phải làm cà phê sạch, phải đi mua cà phê nguyên chất về để rang xay, cung cấp ra thị trường, chứ không được sử dụng cà phê hương liệu. “Nếu cứ tiếp tục uống cà phê bẩn, người Việt sẽ mắc nguy cơ ung thư rất cao” – ông Thái nói.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét