Trà Đá Thời Đại

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Hiến tạng, hiến xác của tử tù có khả thi không?


Từ trước tới nay việc hiến tạng, hiến xác là việc làm cao cả mang tính nhân văn cao của con người, nhưng chưa bao giờ có trường hợp tử tù được hiến tặng xác sau khi thi hành án.


Tử tù xin hiến tạng, hiến xác cho y học

Mới đây kẻ chủ mưu vụ thảm án ở Bình Phước có ý định muốn hiến xác để chuộc lại một phần lỗi lầm. Theo thông tin nhận được thì ngày 24/10, nguồn tin từ trại giam tỉnh Bình Phước cho biết sức khỏe và tinh thần của tử tù Nguyễn Hải Dương - người gây ra vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước, có chiều hướng tốt, y có mong muốn sau khi thi hành án thì bộ phận cơ thể của y được hiến tặng cho y học để phục vụ cho việc nghiên cứu.

Ông N.P.H (cha ruột của Dương) cho biết, lần vào thăm gần đây Dương cho biết ăn uống tốt, sức khỏe ổn định. Vẫn như những lần thăm gặp trước, Dương hỏi thăm về gia đình, chuyện bên ngoài, ít khi nhắc lại vụ án do mình chủ mưu gây ra, mà nếu nhắc cũng chỉ quan tâm đến Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê Bình Phước), là đồng phạm bị Dương lôi kéo vào vụ án. Ông H cho biết, mới nghe chuyện con trai mình có ý nguyện hiến xác cho y khi thi hành án. Ông H nói: “nếu Dương quyết định như thế thì gia đình cũng ủng hộ, tôn trọng ý kiến…Đây là việc tốt cho đời mà nó có thể làm được hiện nay”.

Cũng có một trường hợp tử tù khác cách đây mấy tháng có mong muốn được hiến tạng, hiến xác cho y học. Tháng 7-2016, khi phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Hà Nội xét xử Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi) về các tội giết người, cướp tài sản sắp diễn ra, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho Kỳ) cho biết bị cáo này mong muốn được hiến tạng nếu phải nhận mức án tử hình. “Kỳ muốn sám hối về tội lỗi của mình. Kỳ hy vọng các bộ phận cơ thể mình sẽ phục vụ cho y học để cứu giúp được nhiều người khác có cơ hội được sống” - luật sư Thơm nói.


Tính khả thi không cao

Trao đổi với chúng tôi, đại diện trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cho biết luật lấy, hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người không cấm nhận mô tạng của tử tù, nhưng không có các quy định hay cơ sở pháp lý để tiến hành được việc hiến và ghép mô tạng của tử tù. Theo vị này, lý do là cơ quan chức năng rất lo ngại các biến tướng khiến xảy ra nguy cơ mô tạng của những tử tù không có tâm nguyện hiến xác cũng có thể bị lấy, ảnh hưởng đến vấn đề nhân văn, quyền nhân thân của tử tù và người thân của họ. 

Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó Cục trưởng cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an), việc tử tù muốn hiến tạng, hiến xác đã đặt ra từ lâu. “kể cả khi xây dựng Luật Thi hành án hình sự, quốc hội cũng từng bàn nhưng cuối cùng quyết định không đưa vào” - Thiếu tướng Quân cho biết. 

"Theo luật thi hành án hình sự, khi thi hành án tử đối với các bị án thì phải tiêm thuốc độc. Mà khi đã tiêm thuốc độc vào người thì liệu cơ thể có đảm bảo để hiến tạng, hiến xác hay không là cả một vấn đề mà y học phải nghiên cứu. Muốn hiến tạng, hiến xác thì phải là một cơ thể “sạch”, phải đảm bảo được các điều kiện khoa học nhất định" luật sư Nguyễn Anh Thơm đoàn luật sư TP Hà Nội nói.

Về vấn đề này, GS Trịnh Hồng Sơn (Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia - Phó Giám đốc BV Việt Đức) cho biết hiện pháp luật chưa công nhận tử tù được hiến tạng, hiến xác nên ngành y tế không có ý kiến gì.

Yếu tố tâm linh cũng là vấn đề cần quan tâm bởi nếu người được hiến tạng, hiến xác nghĩ đến việc trong cơ thể mình đang mang bộ phận của một tử tù từng phạm trọng tội thì chắc hẳn ai cũng có nhiều băn khoăn.

Thực tiễn thực hiện việc hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể cho thấy pháp luật về vấn đề này còn khá nhiều điểm bất cập, đặc biệt là trong các quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết có cân nhắc, tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài là một nhu cầu cấp thiết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét